Người phụ nữ mời Minh vào nhà nói chuyện. Anh đẩy xe vào nhưng vẫn cảm thấy rụt rè. Phòng khách bày biện đơn sơ nhưng khá tao nhã. Anh chú ý đến bức hình treo về phía bức tường bên phải. Hai người phụ nữ, một người chắn chắn là bà chủ nhà vừa rồi và người kia có thể là Trúc vì trông rất trẻ, khoảng 16 tuổi là cùng. Người phụ nữ tự giới thiệu tên là Thanh Tâm và bà hỏi tên của Minh. Minh đi thẳng vào vấn đề: Xin hỏi bác là mẹ của Thanh Trúc? Bà đáp: Đúng vậy nhưng cách đây nhiều năm nó đã bỏ nhà ra đi rồi, không biết bây giờ thế nào, sinh sống ra sao. Tôi không biết vì sao đang học hành đàng hoàng, nó lại bỏ đi và không nói không rằng, đến bây giờ vẫn không có tin tức gì. Có phải cậu quen với nó không, hãy dẫn tôi đi gặp nó. Hiện tại nó ở chỗ nào, cậu có quan hệ gì với nó? Minh ngồi nghe một lèo và bắt đầu trả lời: Con chẳng quen biết gì Trúc cả, chỉ là chat trên mạng thôi, nhưng cô ấy nói rằng cô ấy đã chết và người nói chuyện với con chỉ là một vong linh. Minh kể lại câu chuyện mà Trúc kể cho anh từ việc bị lạm dụng đến việc lao mình vào xe trên đường. Bà mẹ mặt mày tái mét khi nghe anh kể, đôi tay trở nên run rẩy và lời nói đứt quãng: Trời, sao có thể xảy ra chuyện như vậy, một đứa con gái hiền hậu, ham học dễ thương như vậy mà có kết cuộc như thế, lỗi tại tôi, tôi không chăm sóc nó tử tế. Bà bật khóc và ngỏ ý muốn nói chuyện với con gái của bà. Minh cảm thấy phân vân nên nói với bà để anh hỏi Trúc trước. Anh ban đầu cũng không tin những gì anh trò chuyện trên mạng nên tìm đến đây để hiểu rõ cớ sự. Thời gian con gái bà bỏ đi trùng khớp với thời gian Trúc kể với anh. Tuy nhiên anh cảm thấy đây như một trò đùa, không có gì là chắc chắn, anh không muốn mình là người phụ nữ này. Bà ấy vì thương nhớ con mà tin ngay những gì anh nói, không một chút đắn đo và suy xét. Có khi nào cô Trúc vẫn còn sống và chơi trò ú tim với gia đình mình và mượn anh làm cầu nói liên lạc với gia đình.
trangchu
Anh khuyên bà nên tiếp xúc công an khu vực hay cảnh sát giao thông lật lại hồ sơ các tai nạn vào khoảng thời gian đó để tìm hiểu. Tính tò mò và muốn khám phá trỗi dậy, anh sẵn sàng nghỉ một buổi sáng đi với bà. Anh để lại số điện thoại di động và tên tuổi, đồng thời hẹn bà một ngày thuận tiện đến sở giao thông nhờ giúp đỡ. Bà cám ơn rối rít và tiễn anh ra cổng. Minh thấy có điều gì đó mơ hồ, không hiểu sao mình lại vướng vào cái chuyện này, đã vậy rồi còn đòi nghỉ làm để giúp người dưng. Anh chạy trên đường mà suy nghĩ miên man, một vong linh làm sao có thể sử dụng máy vi tính hay nói những chuyện như một nhà sư đang thuyết pháp. Càng nghĩ anh càng thấy vô lý và hình như anh đang kẹt vào tình huống ảo, nếu không muốn nói là phản khoa học. Về đến nhà, anh mệt mỏi và buồn ngủ. Không thèm tắm rửa, anh leo lên giường nằm ngủ ngon lành, một giấc ngủ không mộng mị và có thể nói chưa bao giờ anh ngủ say như vậy. Buổi sáng đi làm như thường lệ nhưng không hiểu sao anh cứ nhớ buổi trò chuyện với bà mẹ có đứa con đi biệt tích tối qua. Ánh mắt của bà có vẻ u buồn và sự cô đơn trống trải lan toả khắp căn phòng. Dòng người vẫn ồ ạt và hối hả, kẹt xe ở thành phố này đã thành thông lệ. Nếu mai mốt không còn kẹt xe nữa, chắc người ta sẽ buồn mất. Giờ này không có xe tải chạy trên đường mà chỉ có xe buýt, xe hơi và gắn máy. Tiếng thắng két của chiếc xe buýt khiến anh giật mình và ngay lập tức anh mường tượng hình ảnh Trúc trườn vào chiếc xe tải.Toàn thân anh sởn gai óc.
…
chieclarungroi
Sao hôm qua anh không lên mạng? Nhưng đừng lo, tôi không giận anh, anh đang làm một việc tốt đấy. Nhìn thấy anh ngủ say tôi cũng không đánh thức anh dậy. Hôm qua là người ta cúng cô hồn, anh biết không. Anh đi ngủ sớm cũng là dịp may cho tôi đi chơi. Mấy người kinh doanh hay cúng cô hồn vào mùng 2 và 16 và dĩ nhiên các loài ngạ quỷ được một phen no say. Nói vậy chứ họ cũng không dùng được gì nhiều vì cái bụng thì lớn mà cái cổ thì bé như cây kim nên thức ăn thức uống khó mà lọt vào. Nếu người cúng biết cách niệm chú khiến cho thức ăn dễ đi vào hơn thì họ hưởng được nhiều, bằng không họ chỉ ăn bằng niềm vui mà thôi. Riêng tôi thì chẳng ăn gì cả, tôi hạnh phúc từ tấm lòng của người cúng. Nhiều nhà sư rải tâm từ hay hồi hướng phước báu đến các chúng sinh khắp mười phương, tôi hưởng các tâm từ và năng lượng của họ, nương vào đó mà sống. Cho dù các vị cúng đủ thứ thực phẩm, tôi cũng không hưởng được, chỉ có các loài ngạ quỷ hưởng thôi.
m_80
Vậy thì nên cúng cái gì?
chieclarungroi
Nếu cúng cô hồn nên cúng cháo trắng, sữa, mật ong, trà và gạo muối và nguyện thập vị cô hồn mười phương thọ lãnh. Người cúng nên tụng các bài kệ như Cành Dương Tịnh Thủy, kệ Tán Dương Bồ Tát Địa Tạng và chú Vạn Sự Kiết Tường để họ thọ lãnh lấy. Bên cạnh đó in ra một bản Tam Qui và Năm giới Cư sĩ, rồi đọc cho các vong linh nghe, hướng dẫn họ tu tập. Họ sẽ rất biết ơn nếu được thọ Tam Qui và Năm giới. Nhiều vong linh siêu thoát ngay lập tức khi nghe một tiếng chuông, một bài kệ, một câu kinh hay vừa phát nguyện qui y và hứa thọ trì giới bản. Họ không chỉ thiếu thốn thức ăn mà còn thiếu thốn tình thương. Tình thương rất quan trọng, không có nó, vong linh như cây chết héo khô giữa sa mạc, dù cho thức ăn đầy đủ cũng không tái sinh được. Có người làm ngạ quỷ hằng hà sa số kiếp, ấy vậy ngày càng lún sâu vào địa ngục hơn, không thể ngóc đầu lên được. Họ rất tội nghiệp và chỉ có những nhà ngoại cảm mới có khả năng trò chuyện hay dẫn dắt họ đi vào con đường thiện. Hơn nữa những người có tình thương sẽ đoái hoài và chăm sóc họ, chia sẻ phước báu đến cho họ.
m_80
Việc người ta thường hay đốt giấy tiền vàng bạc, họ có nhận được không?
chieclarungroi
Chẳng nhận được đâu, nhưng anh đừng lên án hay chỉ trích những người đốt vàng mã, mà hãy xem xét ở khía cạnh của tình thương. Vì thương người muốn đầy đủ tiện nghi nơi cõi âm mà người đốt đủ thứ tiền bạc với mong ước cõi âm sống sung túc và đầy đủ, nhưng thật ra họ sống khắp nơi nên họ chỉ hưởng tấm lòng của người cúng thí thôi, họ cảm thấy ấm áp và bớt tủi thân vì người sống vẫn nhớ, thương tưởng đến họ. Giống như anh vào chùa niệm Quan Thế Âm Bồ Tát, trước hết năng lượng từ bi trong anh phát khởi và khi năng lượng đó tràn đầy, anh mới có thể gửi năng lượng về cho người thân, họ sẽ cảm thấy thoải mái và an lạc. Ở đây cũng vậy, khi anh hồi hướng đến người quá vãng bằng công đức và phước báu của mình, người đó khó nhận được lắm nhưng họ hưởng được năng lượng bình an và có nhiều thuận duyên tiếp xúc với phương pháp tu tập. Cho nên cúng thí cô hồn thì tốt nhưng hướng dẫn họ tu tập càng tốt hơn và bản thân người cúng biết tu còn hay hơn nữa.
m_80
Vậy chẳng cần cúng kiến gì sao?
chieclarungroi
Cúng cũng tốt mà không cúng cũng không sao. Ngày xưa đức Thế Tôn đâu có dạy đệ tử phải cúng cái này hay cúng cái kia, mà chỉ lo rèn luyện tâm ý của mình cho được trong sạch, làm lắng dịu các tập khí, thực tập buông bỏ và sống đời an lạc trong phút giây hiện tại. Người còn sống biết tu thì không cần cầu an và khi chết không cần cầu siêu vì bản thân đã tự độ, vậy đâu vướng bận tới ai nữa. Sở dĩ người thường làm lễ cầu an vì bản thân không thấy an, không chịu tu tập và nếu có lại tu lơ tơ mơ, nên mong cầu tha lực gia hộ nhằm lấp liếm những khổ đau của mình. Nghi thức cầu an nên được sử dụng làm cách nhắc nhở bản thân thực tập các lời dạy của đức Phật vì nếu có cầu an nhiều cách mấy mà bản thân sống vô bổ, cầu an chi cho mắc công. Cầu siêu cũng như thế, nên xem đó là cơ hội hướng dẫn sự tu tập, các vong linh sẽ biết ơn điều đó nhiều hơn. Người làm công tác cầu an hay cầu siêu sẽ có nhiều phước báu nhưng nếu hồi hướng đến việc tu tập giải thoát sẽ rất hay, còn muốn vun bồi các điều kiện vật chất hay tinh thần, họ tiếp tục ngụp lặn trong vòng lẩn quẩn của luân hồi.
m_80
Vì sao phải thọ Tam Qui, nhất là các vong linh?
chieclarungroi
Vong linh hầu như đánh mất khả năng nương tựa, bản thân còn không nương tựa được thì làm sao nương tựa vào đối tượng nào khác. Quy y Tam Bảo là quay về nương tựa Phật, người đã tìm ra con đường giác ngộ và chia sẻ sự thực tập với chúng sinh. Chúng sinh ở đây không chỉ là cõi dương mà còn cõi âm và các cõi khác. Thực sự chẳng có cõi dương và cõi âm gì cả, mình đặt cái tên cho dễ gọi vậy thôi. Quay về nương tựa Pháp, thực tập các lời dạy của đức Phật để đạt được sự cứu cánh nơi bản thân, tự tu thì tự ngộ không có ai tu giùm mình. Giống như anh đói bụng thì tự anh đi ăn cơm, không thể người khác ăn mà anh no được. Thứ ba là quay về nương tựa Tăng, là người đang đi trên con đường giải trừ phiền não, đang thực tập hạnh phúc và đến lúc nào đó sẽ giải thoát như đức Phật. Không có chi gọi là giải thoát, chẳng qua là đạt trạng thái tĩnh lặng, yên bình tuyệt đối, và cũng không có gì là tĩnh lặng hay yên bình vì mọi thứ đều như thế. Bởi vì người áp đặt nên người khổ thôi.
m_80
Còn Năm giới Cư sĩ là như thế nào?
chieclarungroi
Anh đến chùa mà không quy y và thọ Năm giới sao? Khi cúng cô hồn, nên đọc Năm giới cho họ nghe sau khi triệu thỉnh về. Không phải tất cả đều hành trì theo lập tức mà từ từ họ sẽ thấm, sẽ phát nguyện và thực hành theo. Giới thứ nhất là tôn trọng sinh mạng, bao gồm ba yếu tố chính là con người, động vật và thực vật. Người chết tái sinh làm vong linh vì khi ở cõi dương họ đã phạm tội sát sinh, tức là giết hại sinh mạng, nhiều khi sinh về cõi âm, họ có thể gặp lại người mà họ đã từng giết chết và nghiệp báo khiến họ bị người đó ăn hiếp hay hành hạ. Giới thứ hai là tôn trọng quyền tư hữu, bao gồm tài sản công và tài sản riêng cũng như cách làm ăn sinh sống. Người chết tái sinh làm vong linh vì họ từng ăn cắp và ăn cắp nặng nề, kể cả tham nhũng, ăn chặn tiền người nghèo hay bớt xén tiền dự án, tức là lấy những tài sản không phải của mình. Làm vong linh thì không ai cúng cho và tái sinh làm người thì nghèo đói, bị áp bức, bị đối xử bất công hay bị trộm cướp trở lại. Giới thứ ba là bảo vệ tiết hạnh, tức là không ăn nằm với người không phải là chồng hay vợ của mình. Đã có gia đình nhưng tằng tịu với người khác hay biết người ta đã có gia đình mà cố tình lăng nhăng gây đau khổ cho nhiều người thì tội không thể tha thứ. Có người phụ nữ lấy nhiều chồng nhưng ông nào cũng bỏ hoặc lăng nhăng vì kiếp quá khứ họ đã không chung thủy. Hoặc có đứa trẻ sinh ra đã mồ côi hay bị cha mẹ bỏ rơi vì kiếp xa xưa bất hiếu với cha mẹ, không nuôi dưỡng cha mẹ hay bỏ cha mẹ mà đi gia nhập băng đẳng, gây tội ác tày trời. Giới thứ tư là tôn trọng sự thật, tức là chỉ nói sự thật, an trú trong sự thật không lúc nào đổi dời. Người nói dối đánh mất niềm tin trong cuộc đời, sau này có nói thật cũng không ai nghe và sẽ bị người khác lường gạt hay dối trá trở lại. Có những tu sĩ nói thật và người ta nghe vì họ từng nói thật. Có những tu sĩ nói thật nhưng không ai nghe vì họ từng nói dối. Giới thứ năm là bảo vệ và nuôi dưỡng thân tâm, như không uống rượu bia, không hút thuốc lá, không tham gia các trò giải trí không lành mạnh… Sống buông thả sẽ được tiếp nối bằng đời sống buông thả. Cõi âm là cõi của sự buông thả, chết mà sinh về đó thì khó mà lấy lại thân người. Vẫn có thể sinh về cõi dương nhưng lâu lắm, có khi bằng số kiếp của một trái đất mới sinh trở lại làm người.
m_80
Trong trai đàn chẩn tế, tại sao người ta thường hay tụng Bát Nhã Tâm Kinh?
chieclarungroi
Đơn giản thôi, vì bài kinh này dạy người thực tập tánh không, không bị kẹt vào bất cứ khái niệm nào. Giống như anh hành trì Năm giới nhưng không bị kẹt vào nó và nhiều lúc phải uyển chuyển. Lời nói dối nhiều khi có tác dụng cứu người, không muốn người đau khổ. Loài người nhiều phiền não vì bị kẹt vào các ý niệm, cái đúng cái sai, cái trước cái sau, chấp vào cái có cái không, cái thành cái bại… cho nên họ khổ, tự mình làm khổ chứ không ai mang nó đến cả. Tuy nhiên họ không biết điều đó, họ cứ cho người này người kia làm khổ mình rồi họ bức xúc, đanh đá, khó chịu, đau đớn, tuyệt vọng, tranh cãi, lên án, chỉ trích, buộc tội…. và họ đánh nhau, phạm giới, sinh về cõi âm. Ở cõi dương họ đã không có hạnh phúc thì cõi âm làm sao có hạnh phúc. Hơn thua với người được cho là hạnh phúc và chết rồi họ tiếp tục hành hạ nhau bởi các sự hơn thua đó. Thật ngốc ngếch khi con người cứ tranh giành, chết rồi cũng còn muốn thế. Ví dụ muốn đám ma thật to, kèn tây thổi phì phèo, trống vang khắp nơi, người cúng điếu phải đông, xe cộ rầm rộ và thức ăn thừa thãi. Họ hơn thua những chỗ như vậy, thật hết chỗ nói.
m_80
Vậy tâm động nên cảnh không thể bình yên?
chieclarungroi
Nói cách khác tâm tĩnh lặng, cảnh sẽ tĩnh lặng dù cảnh đó đối với nhiều người không hề tĩnh lặng. Thế giới vong linh khó đạt được sự tĩnh lặng vì khả năng thực tập của họ rất yếu kém và nếu muốn thực tập cũng không biết thực tập thế nào. Tuy nhiên sự tĩnh lặng của cõi dương có mối liên hệ với sự tĩnh lặng của cõi âm vì cõi âm là sự tiếp nối của cõi dương. Nếu cõi dương ăn ở đàng hoàng, cõi âm sẽ ăn ở đàng hoàng. Sau đó, cõi dương lại là sự tiếp nối của cõi âm nên cõi âm ồn ào khiến cõi dương cũng ồn ào như thế. Một con thú chuyên đi săn mồi và ăn thịt con kia tái sinh làm người tiếp tục cạnh tranh, mong muốn triệt người kia hoặc ngược lại. Cách con người đấu tranh sinh tồn chẳng khác gì các loài động vật và ngày càng giống động vật hơn. Nói hai cõi ngăn cách âm dương là không đúng, các cõi vẫn đang tồn tại ở nhiều trạng thái và hình dáng khác nhau, nhưng dù ở dạng nào vẫn không biệt lập. Nếu nhìn bằng con mắt vô tướng, mình và các loài động đã từng là của nhau. Ông của một người thích ăn thịt chó và đã giết thịt nhiều con chó. Khi chết ông tái sinh làm một con chó. Con trai của ông có sở thích như ông. Một ngày kia đã bắt một con chó lấy thịt và đó chính là hình dáng hiện tại của ông mình. Nên ăn thịt chó có khác nào ăn thịt người thương và xét cho cùng là ăn chính mình.
m_80
Vậy con người phải làm gì?
chieclarungroi
Phải tu chứ làm gì nữa. Người không tu tội nghiệp lắm, con đường họ đi rất dễ sợ và nhiều khi đó không phải là con đường. Sinh làm người khó lắm, sinh làm vong linh thì dễ ợt. Nếu đã mang thân người thì tận dụng nó mà tu tập chứ mất rồi thì lâu lắm mới lấy lại được. Nếu lầm lỗi với ai thì hãy sám hối và sửa đổi, còn ai lầm lỗi với mình thì tha thứ và chấp nhận. Một bài thiền tha thứ có thể giúp tôi tha thứ cho người đã hãm hại tôi, là ông bố dượng. Tôi không dám chắc mình tha thứ được không vì nỗi buồn, sợ hãi và căm thù vẫn day dứt trong tâm. Tôi đã thực tập nhiều lần nhưng chỉ thuyên giảm chút xíu. Thà vậy còn hơn không, bài thực tập sẽ được tiếp tục cho đến khi nào tôi tha thứ và thương được ông ấy. Sở dĩ tôi bị lạm dụng như vậy là do kiếp lâu xa tôi đã hành động không phải với người này, nên bây giờ gánh chịu hậu quả và chết thảm. Nếu tha thứ được, tôi sẽ chấm dứt nghiệp của mình và tái sinh làm người rất nhanh. Tuy nhiên bố dượng sẽ trả nghiệp cho hành động gây ra của mình. Nghiệp báo đi theo mình như hình với bóng, không thể trốn chạy, không thể lặn xuống biển sâu hay chạy vào rừng thẳm. Một khi anh đã gieo nhân ắt có ngày sẽ gặp bão.
m_80
Cô đang nói về luật nhân quả?
chieclarungroi
Đúng vậy. Luật nhân quả rất công bằng. Micheal Jackson sử dụng thuốc nhiều quá, ông ấy làm việc nhiều nữa nhưng lại nghỉ ngơi không đủ hay không biết cách nghỉ ngơi nên phải chết sớm. Đừng tưởng người chết sớm sinh về cõi âm đâu nhé. Micheal đã sinh về cõi trời do tấm lòng nhân hậu của ông lúc còn sống, làm từ thiện không biết bao nhiêu mà kể và cống hiến nhân loại những bài hát tràn ngập tình người. Bao nhiêu lời dèm pha bủa giăng ông nhưng ông vẫn tỉnh bơ, không một mảy may phản kháng, ông đã trả được nghiệp trong tiền kiếp. Ngược lại có ông nhạc sĩ Việt Nam viết toàn những bài về tình người, thậm chí có người khen ngợi ông ấy biết mang triết lý Phật giáo vào những lời ca nhưng khi chết phải tái sinh làm vong linh vì đời sống không đẹp như những gì ông viết ra. Tuy nhiên nếu ông thực tập giữ giới, ông sẽ thoát kiếp cô hồn nhanh thôi. Đừng tưởng một tu sĩ chết rồi sinh lên cõi trên trở lại vì ngày nay tu sĩ trá hình nhiều vô kể, tu thì ít mà hám danh thì nhiều.
m_80
Vậy tu tập có phải là sự bố thí không?
chieclarungroi
Chính xác. Bố thí với tâm mong cầu chưa thực sự là bố thí vì anh đang làm công việc đổi chác. Chưa làm gì hết, chỉ mới biết tu thôi, anh đã bố thí vĩ đại rồi. Đức Phật từng nói tu tập và hành trì theo chánh pháp là cách cúng dường cao thượng nhất rồi còn gì. Nói người giàu mới tu được là không đúng, người nghèo vẫn tu giỏi như thường, thậm chí giỏi hơn người giàu. Tu bằng tấm lòng, đừng tu bằng tiền. Người có nhiều tiền mà không lúc nào được yên, chạy đôn chạy đáo, lo trước lắng sau, không bao giờ cảm thấy hạnh phúc, vậy có nhiều tiền để làm gì. Người tu không lo lắng điều gì, chấp nhận những gì hiện có và cho đi những thứ mà người có tiền không thể cho được. Đó là tình thương, sự bao dung, nhẫn nhục, hạnh phúc, an lạc, thảnh thơi… Người giàu làm được điều này không, nếu họ làm được thì còn gì bằng. Lầm tưởng bố thí là làm từ thiện, người sẽ dính mắc vào công việc đó và tự kiêu phát khởi, hành động thiện đã ít thiện đi rồi.
m_80
Vậy hãy nên bố thí bằng tấm lòng chân thật?
chieclarungroi
Chẳng có hành động nào được cho là bố thí, không ai là người bố thí hay người nhận bố thí. Chẳng qua đó chỉ là diễn tiến của vô số nhân duyên và người ta đặt tên cho nó là bố thí. Thực sự anh đang bố thí thì giờ của mình để lắng nghe những lời chia sẻ của tôi. Bố thí không cần tri ân và không cần cầu báo, tính chất của hành động sẽ chân thật hơn nhiều. Thái độ khi bố thí hay cúng thí rất quan trọng, phải thật trong sạch, càng trong sạch càng tốt. Nếu thái độ miễn cưỡng hay bực bội có mặt, việc làm đã giảm đi ít nhiều giá trị của nó. Một đứa trẻ khóc vì đói sữa được bà mẹ ẵm trên tay đã cảm thấy nhẹ nhõm phần nào, nói chi đến việc cho nó bú sữa. Trong bữa tiệc gia đình bày biện rất nhiều món ăn, nhưng nhìn thấy sự lăng xăng, chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên, gia đình đã cảm thấy hạnh phúc rồi. Anh lắng nghe lời chia sẻ của tôi, có thể anh chưa đến tìm mẹ tôi nhưng tôi đã cảm thấy vui vì bản thân đã được chia sẻ. Có những hạnh phúc không thể mua bằng tiền hay cúng thí vật chất.
m_80
Đức Phật có cho phép cúng thí người mất?
chieclarungroi
Đức Phật không ngăn cấm nhưng cũng không khuyến khích. Vấn đề là các vong linh hay người cúng tu tập để bản thân có nhiều hạnh phúc, được tái sinh và được giải thoát. Kinh Cúng Thí Người Mất được đức Phật dạy như sau: người chết sẽ hưởng được vật phẩm cúng dường nếu có sự tương xứng. Người còn sống phạm tất cả các giới khi mạng chung sẽ bị đọa vào địa ngục nên sống và tồn tại bằng thức ăn của địa ngục. Họ không hưởng được sự cúng thí từ trần gian. Thứ hai, người còn sống làm mười điều ác, đến lúc qua đời sinh làm động vật, được nuôi sống tồn tại bằng thức ăn của động vật, nên dù được cúng cũng không hưởng được. Thứ ba, người còn sống làm mười điều lành khi qua đời sinh trở lại làm người hoặc chư thiên, có cha mẹ riêng, người thân riêng, được nuôi nấng và ăn uống thức ăn riêng, có cúng cũng không hưởng. Thứ tư, chỉ trường hợp duy nhất người chết thọ lãnh được là khi họ bị đoạ vào đường ngạ quỷ, một loaì đói khát tột bực ở cõi âm.
m_80
Cô chỉ là một vong linh, tại sao có thể am tường kinh điển Phật Pháp, thậm chí có thể nói như thể một nhà sư đang thuyết giảng? Thật khó tin!
chieclarungroi
Tôi đâu có bắt anh phải tin. Tin hay không là tùy anh, miễn là anh nghe được rồi, không cần phải phán xét. Vong linh cũng là chúng sinh, chỉ có điều hình thái của tôi ở dạng khác so với loài người các anh. Nếu tôi biết tu và trả nghiệp, đến lúc nào đó, tôi sẽ sinh làm người và tiếp tục tu tiếp. Khi tôi đầy đủ phước duyên, thiện nghiệp sẽ tấn hóa, đạt tới giác ngộ rồi sẽ thành Phật. Loài người mà không tu sẽ sinh thành vong linh như tôi, còn lâu mới thoát khỏi khổ đau và mãi lẩn quẩn trong vòng sinh tử luân hồi. Nhưng anh nên nhớ, ma quỷ vẫn có thể thuyết pháp và giả dạng người thánh hiền thuyết pháp rất nhiều. Một khi không sáng suốt, không nhận hiểu chân chánh, anh sẽ bị mắc bẫy.
m_80
Coi như tôi nói không lại cô. À, mẹ cô muốn nói chuyện với cô đấy, cô đồng ý chứ?
chieclarungroi
Không thành vấn đề, cám ơn anh làm cầu nối cho chúng tôi